Khi tập nói, nhiều trẻ chưa phát âm được chuẩn nên hay nói ngọng. Nói ngọng mà không được sửa thì sẽ trở thành tật theo trẻ về sau khi lớn lên. Vì vậy cách mẹ hãy để ý chữa cho bé tật nói ngọng ngay từ khi bé bắt đầu tập nói.
1. Nguyên nhân bé nói ngọng
– Do trẻ tự bóp méo âm thanh để truyền đạt ý mình cho người khác hiểu theo suy nghĩ riêng của trẻ.
– Trẻ xem tivi, chơi game quá nhiều dẫn đến việc học ngôn ngữ không qua nghe – nói mà qua nhìn – nói, khiến cung thính giác không được kích thích, gây rối loạn phát âm.
– Một số tổn thương, khiếm khuyết thực thể như dị dạng đường phát âm, ngắn lưỡi, dính thắng lưỡi, sứt môi, hở hàm ếch… cũng là nguyên nhân gây ngọng. Ngoài ra, một số trẻ cũng có thể bị ngọng do bộ phận thính giác. Khi nghe kém, trẻ không đủ vốn từ để học nói đầy đủ dẫn đến ngọng.
– Trẻ mắc một số bệnh đường hô hấp như: khó thở, ngạt mũi do mũi xoang, viêm VA… khiến khi nói phải thè lưỡi ra hoặc há miệng thay vì phải kín miệng ở một số chữ, dẫn đến phát âm sai.
– Và đặc biệt, có một vài nguyên nhân từ phía người lớn trong gia đình ảnh hưởng đến việc trẻ nói ngọng. Có thể do trong gia đình có người nào đó nói ngọng, phát âm không chuẩn khiến bé bắt chước theo. Hoặc do ngay từ thời kỳ học nói, trẻ nói ngọng nhưng không được bố mẹ chỉnh sửa, bồi đắp bằng âm chuẩn; do bố mẹ ít chơi với trẻ, dạy trẻ tập nói…
2. Cách chữa tật nói ngọng cho con
Bố mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, giao tiếp bằng ngôn ngữ nói chuẩn, rõ ràng cho con bắt chước. Chú ý dạy bé cách đặt lưỡi thế nào, bật âm ra sao và làm mẫu, sửa cho con những từ nói sai, phát âm chậm, nhiều lần cho trẻ nhìn khẩu hình và làm theo.
Ngoài ra, gia đình cần phối hợp, nhờ giáo viên trên lớp quan tâm chỉnh sửa, tạo điều kiện cho bé phát triển tốt về ngôn ngữ. Bằng chuyên môn nghiệp vụ, cô giáo sẽ có biện pháp để kích thích con tiến bộ, đồng thời lôi kéo các bạn trong lớp giúp đỡ, không giễu cợt khiến bé thiếu tự tin và ảnh hưởng đến học tập.
Khi đọc cho con nghe một bài thơ, hoặc câu chuyện, chú ý từ nào, câu nào bé không phát âm được đúng thì đọc chậm hơn, đọc lại nhiều lần cho con lắng nghe.
Việc nói ngọng gây cho con tâm lý thiếu tự tin khi giao tiếp, vì vậy bố mẹ cần nhẹ nhàng, kiên trì giúp con khắc phục, tránh tình trạng thúc giục, ép buộc gây ra tâm lý sợ hãi, dần dần trẻ rụt rè thu mình trong thế giới riêng. Bố mẹ cần chú ý không nên hỏi dồn khiến bé lúng túng, nói lắp, ngọng. Nên hướng dẫn cho con nói hay trả lời câu hỏi chậm, đúng; không vội vàng khiến tình trạng nói ngọng ngày càng tệ hơn.
Đặc biệt lưu ý, nếu mẹ nghi ngờ việc nói ngọng của con xuất phát từ yếu tố bệnh lý thì cần đưa con đi khám ngay để điều trị kịp thời, triệt để.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét